Mắt hazel: Nguyên nhân nào dẫn đến màu mắt hazel?
Mắt hazel mang một chút huyền bí.
Trước hết, người ta diễn tả màu mắt đẹp này theo nhiều cách khác nhau. Một số người nói rằng màu mắt này giống màu hạt phỉ, trong khi những người khác lại gọi đây là màu lục hơi nâu hoặc lục vàng ánh kim.
Một trong những lý do giải thích tại sao lại khó diễn tả đôi mắt có màu hazel này là bản thân màu sắc này dường như có sự thay đổi, tùy thuộc vào bạn đeo kính gì và bạn đang trong điều kiện ánh sáng nào.
Ngoài ra, mặc dù đôi mắt hazel dường như có chứa các màu lục, hổ phách và thậm chí xanh dương nhưng những sắc màu này không tồn tại trong mắt người.
Vậy màu tuyệt đẹp này đến từ đâu?
Yếu tố nào quyết định màu mắt?
Hầu hết chúng ta đều được dạy ở trường rằng chúng ta di truyền màu mắt từ cha mẹ, và rằng màu mắt nâu là mang tính trội, còn xanh dương mang tính lặn. Do đó, cha mẹ có đôi mắt xanh dương không thể sinh con ra với đôi mắt nâu được bởi không ai trong số họ mang kiểu gen trội để cho ra đôi mắt nâu.
Nhưng hóa ra chuyện không đơn giản như vậy.
Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có tới 16 loại gen (không phải chỉ một hoặc hai) có thể ảnh hưởng đến màu mắt, từ đó, việc dự đoán màu mắt trở lên khó khăn hơn nhiều.
Do những biến đổi trong tương tác và thể hiện của nhiều loại gen, thật khó để chắc chắn đôi mắt của trẻ sẽ có màu gì nếu chỉ dựa trên màu mắt của cha mẹ trẻ. Ví dụ, ngày nay chúng ta đều biết rằng cha mẹ có màu mắt xanh dương có thể sinh con ra có mắt màu nâu — với quan niệm di truyền màu mắt thì dường như điều này là không thể.
Ngoài ra, màu mắt có thể thay đổi đáng kể trong vài năm đầu đời. Nhiều trẻ sinh ra có mắt màu xanh dương nhưng sau đó lại chuyển thành màu nâu, lục hoặc hazel trong thời thơ ấu. Yếu tố di truyền ít tác động đến hiện tượng này, nhưng nó giúp giải thích mắt hazel xuất phát từ đâu.
Nguyên nhân nào gây ra mắt hazel?
Cấu trúc được nhuộm màu bên trong mắt bao quanh đồng tử và tạo màu cho mắt được gọi là mống mắt. Sắc tố chịu trách nhiệm về màu mắt có tên là melanin, chất này cũng ảnh hưởng đến màu da.
Những trẻ được sinh ra có mắt màu xanh dương đơn giản là không có đủ số lượng melanin trong mống mắt lúc sinh ra. Trong vài năm đầu đời, lượng melanin nhiều hơn có thể tích lũy trong mống mắt, làm cho mắt xanh dương chuyển thành mắt màu lục, hazel hoặc nâu.
Những trẻ có đôi mắt chuyển từ xanh dương sang nâu phát triển lượng melanin đáng kể. Những trẻ về sau có mắt màu lục hoặc hazel phát triển melanin ít hơn một chút.
Những trẻ sinh ra đã có mắt đen huyền thì sẽ có mắt đen huyền suốt đời. Lý do là những trẻ này tự nhiên đã có nhiều melanin trong mắt hơn.
Phân tán và hấp thụ ánh sáng
Không có sắc tố xanh dương, lục hoặc hazel trong mắt. Mắt chỉ có lượng melanin khác nhau, đây là sắc tố nâu đen.
Vậy thì sắc tố nâu đen tạo ra đôi mắt xanh dương, lục hoặc hazel như thế nào? Điều này là khả thi bởi hai quá trình:
Melanin trong mống mắt hấp thụ các bước sóng khác nhau của ánh sáng đi vào mắt.
Ánh sáng bị phân tán và phản xạ bởi mống mắt, và một số bước sóng (màu) phân tán dễ dàng hơn so với bước sóng khác.
Đôi mắt có mật độ melanin lớn hấp thụ nhiều ánh sáng đi vào mắt hơn, do đó ít bị mống mắt phân tán và phản xạ ngược trở lại hơn. Kết quả là mắt có màu nâu.
Ở đôi mắt có mật độ melanin thấp hơn, ít ánh sáng được hấp thụ hơn, và nhiều ánh sáng hơn bị mống mắt phân tán và phản xạ. Vì những tia sáng có bước sóng ngắn hơn (xanh dương và xanh lục) phân tán dễ dàng hơn so với tia sáng có bước sóng dài hơn (ánh sáng đỏ), đôi mắt có ít melanin hấp thụ ánh sáng hơn sẽ cho màu xanh lục hoặc hazel, còn đôi mắt có mật độ melanin thấp sẽ cho màu xanh dương.
Ngoài ra, phân bố melanin ở những phần khác nhau của mống mắt có thể khác nhau, làm cho mắt hazel dường như có màu nâu nhạt gần đồng tử và có nhiều màu lục hơn ở ngoại vi mống mắt.
Mắt hazel là một tác phẩm nghệ thuật
Màu mắt hazel vừa phức tạp lại vừa rất đẹp, vì những nét đặc trưng riêng của nó là do nhiều yếu tố quyết định — gồm cả lượng và phân bố melanin trong mống mắt, cách mống mắt phân tán ánh sáng và các phân tử sắc tố ảnh hưởng như thế nào đến màu sắc, và cảm nhận về màu sắc bị ảnh hưởng bởi chiếu sáng như thế nào và màu quần áo cũng như môi trường xung quanh.
Giống như họa sĩ phải dùng nhiều nét bút để tạo ra kiệt tác, mắt hazel có đóng góp của nhiều yếu tố để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật duy nhất được thể hiện trong từng mắt hazel.
Nếu bạn đeo kính, hãy chọn tròng kính có lớp phủ chống lóa để khử các phản xạ khó chịu trong kính của bạn và cho phép người khác thấy được vẻ đẹp của màu mắt hazel của bạn.
Đổi màu mắt của bạn sang màu hazel
Nếu mắt của bạn không có màu hazel tự nhiên, nhưng bạn luôn muốn có màu mắt này, bạn có thể sử dụng kính áp tròng màu để biến điều này thành hiện thực. Tất nhiên, kính áp tròng màu không thực sự thay đổi màu mắt của bạn, mà chỉ thay đổi bề ngoài.
Kính áp tròng màu có nhiều màu, nên bạn sẽ được chọn vài sắc thái màu hazel. Nhưng vấn đề không đơn giản là chỉ cần chọn màu tròng bạn thích; mà bạn phải để ý đến màu tự nhiên của mắt vì nó là yếu tố xác định tròng kính nào sẽ phù hợp với bạn nhất.
BẠN SẼ MUA KÍNH ÁP TRÒNG? Tìm một cửa hàng kính mắt gần nơi bạn ở.
Nếu bạn có đôi mắt rất sáng, kính áp tròng màu có "màu tăng cường" có thể là lựa chọn phù hợp. Loại tròng kính này có màu trong mờ cho phép thể hiện một số màu tự nhiên — để làm cho đôi mắt xanh dương nhạt của bạn trở thành đôi mắt có màu xanh dương đậm hơn. Nếu mắt của bạn không đủ sáng, bạn có thể dùng tròng kính có màu tăng cường để có được màu mắt hazel.
Khả năng cao là bạn sẽ cần tròng kính có màu mờ đục để có được màu mắt hazel. Tròng kính này được thiết kế để màu mà bạn muốn che đi màu mắt tự nhiên của bạn. Tròng kính này có tác dụng tốt nếu bạn có đôi mắt màu nâu đen và muốn có diện mạo sáng hơn, gồm cả màu hazel.
Chuyên gia chăm sóc mắt có thể chỉ cho bạn các màu khác nhau và giúp bạn chọn màu phù hợp.
Xin lưu ý, kính áp tròng là loại kính thuốc, và nếu bạn chưa từng đeo kính áp tròng, bạn sẽ cần khám mắt và đơn thuốc trước khi mua — ngay cả khi bạn có thị thực hoàn hảo mà không cần tròng kính điều chỉnh.
McDonald, J.H. Myths of Human Genetics. Sparky House Publishing, 2011.
Genotype-phenotype associations and human eye color. Journal of Human Genetics. January 2011.
Characterization of melanins in human irides and cultured uveal melanocytes from eyes of different colors. Experimental Eye Research. September 1998.
Eye color changes past early childhood: the Louisville Twin Study. JAMA Ophthalmology. May 1997.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021