Con bạn: Mốc thời gian phát triển thị lực ở trẻ sơ sinh
Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời là lần đầu tiên con mới sinh của bạn mở mắt và tương tác bằng mắt với bạn.
Nhưng cũng đừng bận tâm nếu điều đó không xảy ra tức thì. Phải mất một khoảng thời gian để hệ thống thị giác của trẻ sơ sinh phát triển.
Trong tuần đầu đời, trẻ không nhìn thấy nhiều chi tiết. Hình ảnh đầu tiên về thế giới bên ngoài không rõ ràng và chỉ có những sắc xám.
Phải mất vài tháng sau sinh để thị lực của con bạn phát triển đầy đủ. Biết được các mốc phát triển thị lực ở trẻ sơ sinh (và biết bạn có thể làm gì để đồng hành) có thể đảm bảo con bạn sẽ nhìn một cách bình thường và tận hưởng đầy đủ nhất thế giới của trẻ.
Sự phát triển thị lực bắt đầu trong thai kỳ
Thị lực của con bạn bắt đầu phát triển trước khi sinh ra. Bạn chăm sóc cho bản thân như thế nào trong suốt thai kỳ là cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển cơ thể và trí óc của con bạn, gồm cả mắt và các trung tâm thị giác trong não trẻ.
Đảm bảo tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về dinh dưỡng phù hợp, gồm cả các chất bổ sung, và lượng thời gian nghỉ ngơi phù hợp bạn cần trong thai kỳ.
Tránh hút thuốc và uống rượu hoặc sử dụng ma túy trong thai kỳ, vì những độc tố này có thể gây ra nhiều vấn đề cho con bạn, gồm cả các vấn đề về thị lực nghiêm trọng.
Hút thuốc đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ, vì khói thuốc chứa khoảng 3.000 hóa chất khác nhau có khả năng gây hại cho con người — gồm cả carbon monoxide, một độc tố đã biết đối với bào thai.
Ngay cả dùng một số thuốc phổ biến như aspirin cũng có thể gây nguy hiểm cho con bạn khi bạn đang mang thai, làm tăng nguy cơ trẻ có cân nặng thấp và gặp các vấn đề khi sinh ra. Cân nặng khi sinh thấp có liên quan đến sự gia tăng rủi ro gặp các vấn đề về thị lực ở trẻ sơ sinh.
Luôn trao đổi với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ thuốc gì trong thai kỳ, gồm cả thuốc không kê đơn, các chất bổ sung dạng thảo mộc và các phương thuốc không kê đơn khác.
Phát triển thị lực lúc sinh
Ngay sau sinh, bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ kiểm tra nhanh mắt con bạn để loại trừ dấu hiệu của đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc các vấn đề về mắt mới sinh nghiêm trọng khác.
Mặc dù những vấn đề về mắt này là hiếm gặp nhưng chúng phải được phát hiện và điều trị sớm để giảm thiểu ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực của con bạn.
Đồng thời, mắt con bạn cũng cần thường xuyên được tra thuốc mỡ kháng sinh để giúp phòng ngừa nhiễm trùng mắt do vi khuẩn và các vi sinh vật khác có thể có trong đường sinh. Phòng ngừa sớm nhiễm trùng mắt là rất quan trọng đối với sự phát triển thị giác bình thường.
BẠN LO LẮNG VỀ THỊ LỰC CỦA CON MÌNH? Tìm chuyên gia chăm sóc mắt gần chỗ bạn ở .
Khi được sinh ra, con bạn chỉ nhìn dưới dạng màu đen và màu trắng cũng như các sắc xám. Lý do là các tế bào thần kinh trong võng mạc và não điều khiển khả năng nhìn màu chưa phát triển đầy đủ.
Ngoài ra, mắt của trẻ sơ sinh không có khả năng tập trung vào những vật gần (điều tiết). Do vậy, đừng lo lắng nếu con bạn dường như không "tập trung" ngay vào các đồ vật, gồm cả khuôn mặt của bạn. Phải mất một khoảng thời gian để kỹ năng thị giác này phát triển.
Mặc dù có hạn chế về thị giác, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng trong vòng vài ngày sau sinh, trẻ thích nhìn hình ảnh khuôn mặt của người mẹ hơn là của người lạ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng sự thích hơn này phụ thuộc vào yếu tố kích thích tương phản cao, rộng, chẳng hạn ranh giới đường tóc với khuôn mặt. (Trong các nghiên cứu, nếu lấy khăn hoặc mũ tắm che đi những ranh giới này thì sự ưu tiên nhìn vào khuôn mặt mẹ của trẻ không còn nữa.)
Do đó, để khuyến khích tương tác bằng mắt với con mới sinh của bạn, hãy giữ nguyên kiểu tóc, và tránh thay đổi bề ngoài trong vài tuần đầu đời của trẻ.
Một điều khác bạn có thể để ý thấy ở con mới sinh của mình là mắt trẻ to ra nhanh làm sao. Lý do là sự phát triển bình thường ở trẻ sơ sinh xuất phát từ đầu trở xuống. Vào lúc sinh, mắt con bạn đã có kích thước bằng 65 phần trăm kích thước của người trưởng thành!
Mắt con bạn ở tháng đầu tiên
Mắt con bạn không thật nhạy với ánh sáng ở tháng đầu đời. Trên thực tế, lượng ánh sáng mà một đứa trẻ 1 tháng tuổi cần nhận biết rằng có ánh sáng (được gọi là ngưỡng phát hiện ánh sáng) cao hơn 50 lần so với ngưỡng của người trưởng thành.
Cho nên để một chút ánh sáng trong phòng của trẻ cũng không sao — ánh sáng này thường sẽ không ảnh hưởng đến khả năng ngủ của trẻ — và ánh sáng này có thể giúp bạn không vấp ngón chân vào đồ đạc khi bạn vào phòng vào ban đêm để kiểm tra xem trẻ thế nào!
Trẻ sơ sinh bắt đầu phát triển khả năng nhìn màu rất nhanh. Ở một tuần sau sinh, trẻ có thể nhìn màu đỏ, cam, vàng và xanh lá cây. Nhưng sẽ mất thêm một chút thời gian để trẻ có thể nhìn màu xanh dương và tím. Lý do là ánh sáng xanh có bước sóng ngắn hơn, và trong võng mạc của con người có ít thụ quan màu hơn đối với ánh sáng xanh.
Và đừng quá lo lắng nếu mắt con bạn đôi khi không phối hợp nhịp nhàng với nhau từ sớm. Một mắt có thể thỉnh thoảng điều chỉnh trôi vào trong hoặc ra ngoài. Đây là hiện tượng bình thường. Nhưng nếu bạn thấy có mắt trẻ bị lệch trục lớn và liên tục, hãy hỏi ý kiến của chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức.
Lời khuyên: Để giúp kích thích thị lực của con bạn, hãy trang trí phòng trẻ với các màu tươi, vui nhộn. Đưa vào các tác phẩm nghệ thuật và đồ đạc có màu sắc và hình dạng tương phản. Đồng thời treo vật chuyển động có màu tươi phía trên hoặc gần cũi trẻ. Đảm bảo vật này có nhiều màu sắc và hình dạng.
Phát triển thị lực: Tháng thứ 2 và 3
Có nhiều tiến triển trong phát triển thị lực ở tháng thứ hai và thứ ba Trẻ sơ sinh phát triển thị lực sắc nét hơn trong giai đoạn này, và mắt trẻ có sự phối hợp chuyển động tốt hơn. Ở giai đoạn này, con bạn sẽ nhìn theo những đồ vật chuyển động và bắt đầu với lấy những thứ trẻ nhìn thấy.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh ở giai đoạn phát triển này đang học cách chuyển trạng thái nhìn đồ vật này sang nhìn đồ vật khác mà không phải cử động đầu. Và mắt trẻ trở lên nhạy hơn với ánh sáng: ở 3 tháng tuổi, ngưỡng phát hiện ánh sáng của trẻ sơ sinh giảm xuống. Do đó, bạn nên vặn đèn nhỏ xuống một chút lúc trẻ ngủ chợp và vào thời gian trẻ đi ngủ.
Lời khuyên: Để giúp kích thích sự phát triển thị lực của trẻ 2 đến 3 tháng tuổi:
Bố trí thêm những đồ vật mới vào phòng trẻ và thường xuyên thay đổi vị trí cũi để trẻ nhìn thấy những đồ vật mới.
Để đèn đêm nhằm kích thích thị giác của trẻ khi trẻ thức dậy trong cũi.
Mặc dù nên để trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ để giảm thiểu rủi ro trẻ gặp hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (sudden infant death syndrome, SIDS), hãy đặt trẻ nằm úp khi trẻ thức và khi bạn có thể giám sát trẻ. Tư thế này có thể mang lại những trải nghiệm về thị giác và vận động quan trọng.
Phát triển thị lực: Tháng thứ 4 đến 6
Đến tháng tuổi thứ 6, đã có những phát triển quan trọng ở các trung tâm thị lực của não, cho phép con bạn nhìn rõ hơn và di chuyển mắt nhanh hơn và chính xác hơn để theo các đồ vật đang chuyển động.
Độ tinh mắt cải thiện từ khoảng 20/400 (6/120) lúc sinh đến xấp xỉ 20/25 (6/7.5) vào thời điểm 6 tháng. Khả năng nhìn màu cũng tương đương với khả năng ở người trưởng thành, giúp con bạn nhìn được tất cả các màu cầu vồng.
Trẻ sơ sinh cũng có sự phối hợp mắt-tay tốt hơn ở tháng tuổi thứ 4 đến 6, giúp chúng nhanh chóng xác định vị trí và nhặt đồ vật cũng như đưa một chiếc bình (và nhiều thứ khác) vào miệng một cách chính xác.
Tháng tuổi thứ 6 là một cột mốc quan trọng vì đây là lúc bạn nên nghĩ về lần khám mắt đầu tiên của con mình.
Một chuyên gia chăm sóc mắt có chuyên môn có thể khám mắt cho con bạn khi trẻ được 6 tháng tuổi nếu cần thiết nhưng thường thì họ sẽ bắt đầu khuyến nghị khám mắt thường quy vào khoảng tuổi đi học (3/4 tuổi trở lên)
Nếu bạn có lo lắng gì, bạn có thể nói chuyện với GP của mình hoặc bác sĩ thăm khám sức khỏe để họ có thể đưa ra lời khuyên về bước tiếp theo
Để có buổi khám mắt toàn diện nhất cho con 6 tháng tuổi của mình, bạn hãy tìm dịch vụ của chuyên gia chăm sóc mắt chuyên về thị lực và phát triển thị lực ở trẻ em.
Phát triển thị lực: Tháng thứ 7 đến 12
Lúc này, con bạn đã có khả năng di chuyển, bò loanh quanh và xa hơn so với những gì bạn có thể hình dung. Chúng đánh giá khoảng cách tốt hơn và cầm nắm cũng như ném đồ vật chính xác hơn. (Coi chừng!)
Đây là giai đoạn phát triển quan trọng đối với con bạn. Ở giai đoạn này, trẻ sơ sinh đang phát triển khả năng nhận biết toàn bộ cơ thể mình tốt hơn và đang học cách phối hợp giữa thị lực với di chuyển cơ thể.
Đây cũng là thời điểm bạn phải cẩn thận hơn để giúp trẻ không bị tổn thương. Những chỗ sưng, bầm tím, tổn thương mắt và các tổn thương nghiêm trọng khác có thể xảy ra khi trẻ bắt đầu trực tiếp khám phá môi trường của mình.
Ví dụ: hãy khóa ngăn kéo chứa những đồ lau dọn vệ sinh, và chắn cầu thang lại.
Đừng lo lắng nếu mắt con bạn bắt đầu có sự thay đổi về màu sắc. Hầu hết trẻ sinh ra có mắt màu xanh dương bởi các sắc tố sẫm hơn trong mống mắt chưa phát triển đầy đủ lúc trẻ mới sinh. Theo thời gian, sắc tố sẫm hơn sẽ phát triển trong mống mắt, điều này thường sẽ làm thay đổi màu mắt con bạn từ xanh dương sang nâu, xanh lá cây, xám hoặc tổng hợp các màu, chẳng hạn như mắt màu hazel.
Lời khuyên: Để kích thích sự phối hợp giữa mắt-tay-cơ thể trẻ, hãy ngồi xuống sàn cùng với trẻ và khuyến khích trẻ bò tới các đồ vật. Đặt đồ chơi yêu thích trên sàn ngay trong tầm với của trẻ và khuyến khích trẻ lấy đồ vật đó. Đồng thời, hãy để nhiều đồ vật và đồ chơi mà trẻ có thể tháo ra và lắp lại.
Những vấn đề về căn chỉnh của mắt
Đảm bảo rằng bạn để ý kỹ đến cách đôi mắt của trẻ phối hợp với nhau. Tật lác mắt là thuật ngữ chỉ mắt lệch trục, và điều quan trọng là phải phát hiện cũng như điều trị sớm tật này để thị lực ở cả hai mắt phát triển đúng cách.
Nếu không được điều trị, tật lác mắt có thể dẫn đến nhược thị hay "mắt lười."
Mặc dù phải mất vài tháng để mắt của trẻ sơ sinh phát triển kỹ năng phối hợp với nhau, nhưng nếu bạn cảm thấy một trong hai mắt của trẻ lệch trục liên tục hoặc không di chuyển theo mắt kia, hãy tham vấn với chuyên gia chăm sóc mắt sớm nhất có thể.
Các vấn đề về thị lực ở trẻ sinh non
Thời gian thai kỳ trung bình là khoảng 40 tuần (280 ngày). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những trẻ sinh trước 37 tuần của thai kỳ được coi là sinh non.
Những trẻ sinh non có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt hơn so với trẻ sinh đủ tháng, và trẻ càng sinh sớm thì khả năng này càng tăng.
Các vấn đề về mắt liên quan đến sinh non bao gồm:
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (Retinopathy of prematurity, ROP)
Đây là sự thay thế bất thường của mô bình thường ở võng mạc bằng mô sợi và mạch máu. ROP có thể gây ra sẹo võng mạc, thị lực kém và bong võng mạc. Trong những trường hợp nặng, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể gây mù lòa.
Tất cả những trẻ sinh non đều có nguy cơ bị ROP. Cân nặng khi sinh rất thấp là một yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt nếu cần thiết phải đưa trẻ vào môi trường có nồng độ oxy cao ngay sau sinh.
Nếu con bạn bị sinh non, hãy đề nghị bác sĩ sản giới thiệu bạn tới bác sĩ nhãn nhi khoa để khám mắt cho con bạn nhằm loại trừ ROP.
Rung giật nhãn cầu
Đây là sự di chuyển không tự chủ, lùi và tiến của cả hai mắt.
Trong hầu hết các trường hợp, rung giật nhãn cầu khiến mắt trôi từ từ theo một hướng rồi sau đó "bật" lại theo một hướng khác. Mắt thường di chuyển ngang, nhưng cũng có thể chéo hoặc quay tròn.
Rung giật nhãn cầu có thể xuất hiện vào lúc sinh, hoặc có thể phát triển ở vài tuần đến vài tháng sau đó. Các yếu tố nguy cơ bao gồm sự phát triển dây thần kinh thị giác không đầy đủ, chứng bạch tạng và đục thủy tinh thể bẩm sinh. Độ lớn của các chuyển động mắt thường sẽ quyết định thị lực và sự phát triển thị giác của con bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
Nếu con bạn có những dấu hiệu rung giật nhãn cầu, hãy hỏi ý kiến của chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức.
Cuối cùng, lưu ý rằng hút thuốc trong thai kỳ làm tăng đáng kể nguy cơ sinh non.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021