Bệnh võng mạc tiểu đường: Tiểu đường ảnh hưởng thế nào đến mắt
Bệnh võng mạc tiểu đường là tổn thương võng mạc của mắt do tiểu đường gây ra. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực nghiêm trọng và thậm chí mù lòa.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF):
Khoảng 425 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) sống chung với tiểu đường vào năm 2017; và đến năm 2045, con số này dự kiến tăng lên 629 triệu.
Vào năm 2017, 325 triệu người khác đã có nguy cơ phát triển tiểu đường tuýp 2.
Tỷ lệ người bị tiểu đường tuýp 2 đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.
Số người bị tiểu đường lớn nhất trong năm 2017 nằm trong độ tuổi từ 40 đến 59.
Cứ 1 trong 2 (212 triệu) người bị tiểu đường không biết mình bị bệnh.
Theo những thông tin và tính toán này, bệnh võng mạc tiểu đường có thể sớm trở thành khủng hoảng sức khỏe lớn trên toàn cầu.
Các yếu tố rủi ro dẫn đến mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và không hoạt động thể chất.
Nhìn chung, tiểu đường không phát triển thành bệnh võng mạc tiểu đường cho đến khi bạn đã bị tiểu đường được tối thiểu 10 năm. Nhưng đừng để lâu như vậy mới đi khám mắt.
Nếu bạn có nguy cơ bị tiểu đường hoặc đã được chẩn đoán bị bệnh này, điều quan trọng là bạn phải đến chuyên gia chăm sóc mắt để được khám mắt toàn diện hàng năm. Trong một số trường hợp, chuyên gia chăm sóc mắt của bạn có thể khuyến nghị bạn đi khám thường xuyên hơn để theo dõi sức khỏe võng mạc của bạn.
Tiểu đường gây bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào?
Bệnh tiểu đường (DM) gây ra những thay đổi bất thường về đường huyết (glucose) mà cơ thể bạn thường chuyển thành năng lượng để nạp nhiên liệu cho các chức năng khác nhau của cơ thể.
Tiểu đường không được kiểm soát thường cho phép mức đường huyết cao (tăng đường huyết) tích tụ trong mạch máu, gây ra tổn hại làm cản trở hoặc thay đổi dòng máu đến các cơ quan cơ thể — gồm cả mắt bạn.
Có hai loại tiểu đường chính:
Tiểu đường tuýp 1
Insulin là hóc-môn tự nhiên giúp điều tiết mức đường huyết cần thiết để giúp "nuôi" cơ thể. Khi được chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 1, bạn được coi là phụ thuộc vào insulin và bạn sẽ cần tiêm insulin hoặc cần liệu pháp y khoa khác để cung cấp insulin mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Khi bạn không thể tự tạo đủ insulin, đường huyết của bạn không được điều tiết và ở mức quá cao.
Tiểu đường tuýp 2
Khi được chẩn đoán bị tiểu đường tuýp 2, bạn thường được coi là không phụ thuộc vào insulin hay kháng insulin. Khi bị loại tiểu đường này, bạn sản xuất đủ insulin, nhưng cơ thể của bạn không thể sử dụng insulin đúng cách. Khi đó, cơ thể của bạn sẽ bù đắp bằng cách sản xuất thêm insulin, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng tăng mức đường huyết bất thường.
Sự gia tăng đường huyết đột ngột, bất thường có nguyên nhân từ hai loại tiểu đường này làm cho nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường của bạn tăng lên.
Tổn thương mắt xảy ra khi lượng đường huyết cao kéo dài bắt đầu cản trở hoặc gây tổn thương cho mạch máu bên trong võng mạc mắt chứa những tế bào nhạy ánh sáng (tế bào cảm nhận ánh sáng) cần thiết để có thị lực tốt.
Các triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường và bệnh mắt tiểu đường khác
Các triệu chứng của bệnh võng mạc tiểu đường (DR) và bệnh mắt liên quan đến tiểu đường khác bao gồm:
Thị lực trồi sụt
Mắt mờ và/hoặc thị lực méo mó
Những bất thường về giác mạc, chẳng hạn như vết thương chậm lành do trầy xước giác mạc
Vấn đề về thị lực khi nhìn gần không liên quan đến lão thị
Khi khám mắt, chuyên gia chăm sóc mắt của bạn sẽ tìm những dấu hiệu khác của bệnh võng mạc tiểu đường và bệnh mắt tiểu đường. Các dấu hiệu tổn thương mắt trong võng mạc có thể bao gồm sưng, chất lắng và bằng chứng về chảy máu hoặc rò rỉ dịch từ mạch máu.
Chuyên gia chăm sóc mắt của bạn sẽ dùng một camera đặc biệt hoặc thiết bị hình ảnh khác để chụp võng mạc và tìm các dấu hiệu chỉ điểm tổn thương liên quan đến tiểu đường. Trong một số trường hợp, chuyên gia này có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa về võng mạc để kiểm tra thêm và có thể là điều trị.
Để khẳng định chẩn đoán, bạn cần thực hiện một kiểm tra có tên là chụp mạch huỳnh quang. Ở kiểm tra này, một loại thuốc nhuộm sẽ được tiêm vào cánh tay bạn qua tĩnh mạch và thuốc từ từ xuất hiện trong mạch máu của võng mạc, ở đó, nó sẽ được chiếu sáng để phát hiện những thay đổi về mạch máu liên quan đến tiểu đường và rò rỉ máu trong võng mạc.
Một triệu chứng đôi khi bị bỏ qua của bệnh mắt tiểu đường là tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh), tổn thương này ảnh hưởng đến cơ mắt kiểm soát chuyển động mắt. Các triệu chứng có thể bao gồm chuyển động mắt không tự chủ (rung giật nhãn cầu) và song thị.
Các loại bệnh mắt tiểu đường
Khi đường huyết cao gây tổn thương cho mạch máu trong võng mạc, chúng có thể làm rò rỉ dịch hoặc chảy máu. Điều này làm cho võng mạc sưng lên và hình thành các chất lắng ở giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường.
Ở giai đoạn sau, rò rỉ từ mạch máu vào trong thể kính trong suốt, giống keo có thể gây ra các vấn đề về thị lực nghiêm trọng và cuối cùng dẫn đến mù lòa.
Chứng phù hoàng điểm do tiểu đường
Phù hoàng điểm này thường liên quan nhiều hơn với tiểu đường tuýp 2. Phù hoàng điểm có thể làm thị lực giảm hoặc dẫn đến thị lực méo mó.
Chứng phù hoàng điểm tiểu đường (DME) thường được phân loại theo hai cách:
Phân tán, mô tả các mạch máu li ti (mao mạch) giãn ra hoặc sưng lên bên trong võng mạc.
Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh (NPDR)
Đây là giai đoạn sớm của DR — được nhận diện thông qua các chất lắng hình thành trong võng mạc — có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau khi bệnh tiểu đường khởi phát.
Thông thường, không có triệu chứng gì về thị giác, tuy nhiên, khám võng mạc có thể phát hiện đốm li ti và các vết xuất huyết có tên là phình mao mạch, đây là một kiểu phình ra của các mạch máu li ti.
Ở tiểu đường tuýp 1, những triệu chứng sớm này hiếm khi xuất hiện trước ba đến bốn năm sau chẩn đoán. Ở tiểu đường tuýp 2, NPDR có thể xuất hiện thậm chí ngay khi chẩn đoán.
Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh (PDR)
Trong số các bệnh mắt tiểu đường, bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh có rủi ro gây mất thị lực lớn nhất.
PDR có đặc trưng với ba dấu hiệu:
Hình thành các mạch máu bất thường (tân mạch) trên hoặc sát ngay dây thần kinh thị giác và thể kính.
Chứng thiếu máu cục bộ do dòng máu giảm hoặc bị chặn, kèm theo thiếu oxy cần thiết để có võng mạc khỏe mạnh.
Những mạch máu bất thường được hình thành từ tân mạch này có xu hướng vỡ và chảy máu vào dịch kính của mắt. Bên cạnh mất thị lực đột ngột, các biến chứng lâu dài hơn có thể bao gồm bong võng mạc do kéo và tăng nhãn áp tân sinh mạch.
Phù hoàng điểm có thể xảy ra độc lập hoặc cùng NPDR hoặc PDR.
Bạn nên được theo dõi thường xuyên, nhưng thường thì bạn không cần điều trị bằng laser đối với bệnh mắt tiểu đường cho đến khi tình trạng này tiến triển.
Ai bị bệnh võng mạc tiểu đường?
Sau khi bị tiểu đường, đường huyết của bạn được kiểm soát tốt như thế nào sẽ là yếu tố chính quyết định bạn có khả năng phát triển thành bệnh võng mạc tiểu đường kèm theo mất thị lực hay không.
Huyết áp cao (chứng tăng huyết áp) không được kiểm soát đã gắn liền với tổn thưng mắt liên quan đến tiểu đường. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tiến triển thành bệnh võng mạc tiểu đường ở phụ nữ bị tiểu đường sẽ có tỷ lệ cao hơn khi họ mang thai.
Tất nhiên, bạn bị tiểu đường càng lâu thì bạn càng có nhiều khả năng bị mất thị lực hơn. Gần như tất cả những người bị tiểu đường mắc bệnh đủ lâu thì cuối cùng sẽ phát triển thành tối thiểu một số mức bệnh võng mạc tiểu đường, mặc dù các dạng ít tiến triển hơn của bệnh mắt có thể không dẫn đến mất thị lực.
Lưu ý: Khám mắt định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ mắt khỏi bị mất thị lực do bệnh võng mạc tiểu đường và bệnh mắt tiểu đường khác gây ra.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021