Rung giật nhãn cầu: Nguyên nhân gây ra chuyển động mắt không tự chủ
Rung giật nhãn cầu là rối loạn chuyển động mắt không tự chủ ảnh hưởng đến cả hai mắt. Chuyển động mắt nhanh và lặp đi lặp lại có thể lùi và tiến, lên và xuống, hoặc chúng có thể chuyển động theo hướng hình cung (một phần đường tròn).
Rung giật nhãn cầu thường đi kèm thị lực và nhận thức chiều sâu giảm, đồng thời nó có thể ảnh hưởng đến tính cân bằng và sự phối hợp.
Thông thường, rung giật nhãn cầu mang tính bẩm sinh và trở lên rõ ràng trong khoảng thời gian từ 6 tuần tuổi đến vài tháng tuổi, và tình trạng này có thể di truyền. Tuy nhiên, rung giật nhãn cầu có thể ảnh hưởng tới mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người bị rối loạn thần kinh.
Người ta chưa biết tỷ lệ bị rung giật nhãn cầu trong dân số nói chung trên toàn thế giới là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo ước tính của một nghiên cứu tại UK thì cứ 1.000 người lại có 2,4 ca mắc. Cũng theo nghiên cứu này, rung giật nhãn cầu phổ biến hơn đáng kể ở nhóm dân số châu Âu da trắng so với các nhóm dân số châu Á (Ấn Độ, Pakistan, những người có nguồn gốc châu Á khác).
Các loại rung giật nhãn cầu
Các loại rung giật nhãn cầu khác nhau bao gồm:
Rung giật nhãn cầu biểu hiện
Rung giật nhãn cầu bẩm sinh
Rung giật nhãn cầu biểu hiện-âm thầm
Rung giật nhãn cầu mắc phải
Rung giật nhãn cầu âm thầm
Rung giật nhãn cầu bẩm sinh xuất hiện vào lúc sinh. Khi bị tình trạng này, hai mắt của bạn chuyển động cùng nhau khi chúng đưa qua đưa lại (lắc lư như quả lắc). Hầu hết các loại rung giật nhãn cầu trẻ em cũng được phân loại là các dạng mắt lé, có nghĩa là mắt không nhất thiết hoạt động cùng nhau mọi lúc.
Rung giật nhãn cầu biểu hiện xuất hiện mọi lúc, trong khi rung giật nhãn cầu âm thầm xảy ra khi che một bên mắt lại.
Rung giật nhãn cầu biểu hiện-âm thầm xuất hiện liên tục nhưng trở lên tệ hơn khi che một bên mắt lại.
Rung giật nhãn cầu mắc phải có thể do một loại bệnh (đa xơ cứng, u não, bệnh thần kinh đái tháo đường), tai nạn (chấn thương đầu), hoặc một vấn đề thần kinh (tác dụng phụ của thuốc) gây ra. Người ta đã biết là tăng thông khí, triệu chứng thấy chớp lóe trước một bên mắt, nicotin và thậm chí các rung động cũng gây ra rung giật nhãn cầu ở những trường hợp hiếm gặp.
Có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị một số dạng rung giật nhãn cầu.
Nguyên nhân, triệu chứng và thách thức của rung giật nhãn cầu
Như đã nói ở trên, hầu hết mọi người bị rung giật nhãn cầu đều gặp tình trạng này từ lúc sinh ra hoặc từ lúc còn rất trẻ.
Trừ khi do tác động của một chấn thương hoặc một loại bệnh, rung giật nhãn cầu hầu như là do các vấn đề về thần kinh gây ra.
Có hai loại rung giật nhãn cầu cơ bản:
Rung giật nhãn cầu nhìn vật chuyển động (liên quan đến mắt)
Rung giật nhãn cầu tiền đình (liên quan đến tai trong)
Những người gặp vấn đề với tai trong có thể bị tình trạng gọi là "rung giật nhãn cầu giật" — mắt chuyển động từ từ theo một hướng và sau đó giật trở lại theo một hướng khác. Do kiểu chuyển động này của mắt, những người bị tình trạng này có thể sẽ trở lên buồn nôn và chóng mặt.
Loại rung giật nhãn cầu này, thường là tạm thời, cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh Meniere (rối loạn tai trong) hoặc khi nước đọng trong một bên tai. Dùng thuốc thông mũi đôi khi cũng có thể làm cho loại rung giật nhãn cầu này biến mất.
Tất cả các dạng rung giật nhãn cầu đều không tự chủ, có nghĩa là những người bị tình trạng này không thể kiểm soát được mắt của mình.
Rung giật nhãn cầu đôi khi cải thiện một chút khi một người đến tuổi trưởng thành; tuy nhiên, nó sẽ nặng hơn khi mệt mỏi và căng thẳng.
Bị rung giật nhãn cầu ảnh hưởng đến cả thị lực lẫn khái niệm về bản thân. Hầu hết những người bị rung giật nhãn cầu đều có một số hạn chế về thị lực bởi mắt liên tục đảo qua những gì chúng quan sát, khiến không thể có được hình ảnh rõ nét.
Một số người bị rung giật nhãn cầu gặp nhiều vấn đề về thị lực đến mức được coi là mù hợp pháp.
Nếu bạn bị rung giật nhãn cầu, không chỉ hình thức của bạn bị ảnh hưởng mà, theo nghĩa đen, bạn còn nhìn theo một cách khác với những người không bị tình trạng này. Mắt của bạn chuyển động không ngớt.
Để nhìn rõ hơn, bạn có thể cần xoay đầu và giữ mắt ở một điểm có tên là "điểm vô hiệu." Đây là một góc đầu cụ thể khiến mắt di chuyển ít nhất, ổn định hình ảnh để có thị lực tốt hơn.
Khi bạn bị rung giật nhãn cầu, bạn phải xử lý những hệ quả mang tính cá nhân và xã hội của sự khác biệt này.
Rung giật nhãn cầu có thể ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh của cuộc sống, gồm cả cách bạn duy trì mối quan hệ với người khác, cơ hội học tập và việc làm của bạn cũng như hình ảnh bản thân.
Hỏi ý kiến có thể giúp ích cho bạn khi bạn đối diện với những thử thách mang tính cá nhân và xã hội mà thường gắn với rung giật nhãn cầu.
Có thể điều trị rung giật nhãn cầu không?
Có một vài phương pháp điều trị nội khoa và phẫu thuật đôi khi hữu ích cho những người bị rung giật nhãn cầu.
Phẫu thuật thường làm giảm các vị trí vô hiệu, hạn chế phải nghiêng đầu và cải thiện thẩm mỹ.
Các loại thuốc chẳng hạn như Botox hay Baclofen đôi khi có thể làm giảm các chuyển động mắt không tự chủ của chứng rung giật nhãn cầu, mặc dù kết quả thường là tạm thời.
Huấn luyện cách phản hồi sinh học có thể giúp ích cho một số người bị rung giật nhãn cầu.
Nếu bạn bị rung giật nhãn cầu, đảm bảo là bạn khám mắt thường xuyên để được theo dõi cả vấn đề sức khỏe lẫn thị lực.
Cả kính mắt lẫn kính áp tròng đều có thể giúp những người bị rung giật nhãn cầu nhìn rõ hơn. Do kính áp tròng chuyển động cùng với mắt nên thị lực do kính áp tròng mang lại đôi khi rõ hơn so với thị lực do kính mắt mang lại. Chuyên gia chăm sóc mắt có thể tư vấn loại điều chỉnh thị lực nào tốt nhất cho nhu cầu của bạn.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021