Bong võng mạc: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bong võng mạc là biến cố nghiêm trọng và đe dọa đến thị lực, xảy ra khi võng mạc tách ra khỏi mô đỡ nằm ở phía dưới.
Võng mạc không thể thực hiện chức năng khi những lớp này bị bong ra. Và kết quả là thị lực có thể bị mất vĩnh viễn trừ khi võng mạc được gắn trở lại sớm.
Bong võng mạc: Các triệu chứng và dấu hiệu
Nếu bạn đột nhiên thấy các đốm, triệu chứng ruồi bay trước mắt và triệu chứng thấy chớp lóe, bạn có thể đang gặp phải các dấu hiệu cảnh báo về bong võng mạc. Mắt bạn có thể trở lên mờ, hoặc bạn có thể nhìn kém.
Một dấu hiệu khác là nhìn thấy bóng hoặc màn che di chuyển từ đỉnh mắt xuống hoặc ngang từ bên này sang bên kia.
Những dấu hiệu này có thể xuất hiện từ từ khi võng mạc kéo ra khỏi mô đỡ, hoặc chúng có thể xuất hiện đột ngột nếu võng mạc bong ra ngay.
Khoảng một trong số bảy người khởi phát đột ngột triệu chứng thấy chớp lóe và triệu chứng ruồi bay trước mắt sẽ bị rách hoặc bong võng mạc. Và 50 phần trăm những người bị rách võng mạc sẽ bị bong võng mạc sau đó.
Bong võng mạc không gây đau. Nếu bạn gặp bất cứ dấu hiệu bong võng mạc trực quan nào, hãy hỏi ý kiến chuyên gia chăm sóc mắt ngay lập tức. Điều trị khẩn cấp làm tăng khả năng phục hồi thị lực bị mất.
Nguyên nhân gì gây ra bong võng mạc?
Tổn thương mắt hoặc mặt có thể gây ra bong võng mạc.
Mức cận thị nặng cũng có thể gây ra bong võng mạc. Lý do là những người bị cận nặng thường có nhãn cầu dài hơn bình thường kèm theo võng mạc mỏng hơn nên dễ bị bong ra hơn.
Trong những trường hợp hiếm gặp, bong võng mạc có thể xảy ra sau phẫu thuật LASIK (phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng tia lase) ở những người bị cận nặng. Phẫu thuật đục thủy tinh thể, khối u, bệnh về mắt và các bệnh toàn thân như tiểu đường và bệnh hồng cầu hình liềm cũng có thể gây ra bong võng mạc.
Các mạch máu mới phát triển bên dưới võng mạc — có thể xảy ra ở những bệnh như bệnh võng mạc đái tháo đường — có thể đẩy võng mạc ra xa mạng lưới đỡ của nó và cũng gây ra bong võng mạc.
Điều trị bong võng mạc
Phải phẫu thuật để khắc phục bong võng mạc. Thủ thuật này thường được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa võng mạc — là bác sĩ nhãn khoa đã qua đào tạo chuyên sâu về điều trị các rối loạn võng mạc bằng nội khoa và phẫu thuật.
Nói chung, võng mạc càng được gắn lại sớm thì càng có nhiều cơ hội khôi phục thị lực.
Các thủ thuật phẫu thuật được dùng để điều trị bong võng mạc bao gồm:
Phẫu thuật thắt củng mạc
Đây là phương pháp phẫu thuật bong võng mạc phổ biến nhất, và bao gồm gắn một dải silicon hoặc chất dẻo nhỏ lên mặt ngoài của mắt (màng cứng). Dải này ép (thắt) mắt vào phía trong, giảm lực kéo lên võng mạc và nhờ đó giúp võng mạc gắn trở lại thành phía trong của mắt.
Đai củng mạc này gắn vào phần phía sau của mắt và không thể nhìn thấy sau phẫu thuật.
Người ta thường kết hợp phẫu thuật thắt củng mạc với một trong các thủ thuật sau để nối võng mạc với mô đỡ bên dưới (được gọi là biểu mô sắc tố võng mạc, hay RPE).
Phẫu thuật loại bỏ dịch thủy tinh
Ở thủ thuật này, dịch dạng keo trong được loại bỏ khỏi hốc sau của mắt (thể kính) và được thay bằng dầu silison trong để đẩy phần bị bong ra của võng mạc trở lại lên RPE.
Áp lạnh và bơm khí
Ở thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ bơm một quả bóng khí nhỏ vào thể kính để đẩy phần bị bong ra của võng mạc lên RPE.
Nếu bong do rách ở võng mạc gây ra, bác sĩ phẫu thuật thường dùng tia laze hoặc đầu dò đóng băng để "hàn chấm" võng mạc chắc chắn lên RPE và các mô bên dưới và nhờ đó bít kín vết rách. Nếu dùng laze thì được gọi là ngưng kết quang học laze; nếu dùng đầu dò đóng băng thì được gọi là áp lạnh.
Gắn lại võng mạc bằng phẫu thuật không phải lúc nào cũng thành công. Khả năng thành công phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân và mức độ bong võng mạc, cùng với các yếu tố khác.
Đồng thời, việc gắn lại võng mạc thành công không đảm bảo thị lực sẽ trở lại bình thường. Nhìn chung, thị lực tốt hơn sau phẫu thuật nếu bong chỉ xảy ra ở võng mạc ngoại vi và điểm vàng không bị ảnh hưởng.
Trang được xuất bản trong Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021